Tất tần tật các biểu hiện của trẻ thiếu canxi không thể bỏ qua

5.0/5 (1 đánh giá)
Bài viết đã được chuyên gia trong lĩnh vực Y Dược tham vấn và kiểm tra tính xác thực về nội dung. Tất cả kiến thức cung cấp đảm bảo khoa học và dựa trên các tài liệu tham khảo uy tín, những nghiên cứu cập nhật mới nhất
Canxi là thành phần đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng và nhận thức của trẻ. Vì vậy nhận biết các biểu hiện của trẻ thiếu canxi là điều mà phụ huynh cần hiểu rõ để phát hiện xem bé nhà mình có bị thiếu canxi không và bổ sung kịp thời.

1. Biểu hiện của trẻ bị thiếu canxi sẽ như thế nào?

Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thì nhu cầu canxi sẽ cao hơn bình thường để hoàn thiện hệ xương khớp, cũng như duy trì các hoạt động bình thường của cơ thể. Nếu trẻ bị thiếu canxi có thể gây ra các biểu hiện mà ba mẹ có thể nhận thấy như sau:


1.1. Đau mỏi tay chân, chuột rút

Như đã trình bày ở trên, thành phần chính cấu tạo nên xương và răng là canxi. Do đó nếu bị thiếu khoáng chất này sẽ khiến cho khung xương của trẻ bị yếu, gây khó khăn trong nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể. Từ đó khiến trẻ thường bị đau nhức ở chân, tay khi phải đi lại nhiều hoặc cầm đồ vật hơi nặng.

Đặc biệt khi hệ xương khớp yếu cũng là nguyên nhân khiến trẻ lười vận động hơn, hay ngồi một chỗ. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ bị thừa cân, béo phì, thể trạng yếu, kém năng động hơn.

Ngoài ra với các bé từ 18 tháng tuổi hay bị chuột rút ở chân cũng là biểu hiện của bé bị thiếu canxi mà các bậc phụ huynh cần lưu ý.


1.2. Răng mọc chậm, sâu răng

Đây là biểu hiện của trẻ thiếu canxi thường gặp, vì canxi là thành phần không thể thiếu, cấu tạo nên răng của trẻ. Khi cơ thể trẻ bị thiếu hụt canxi sẽ làm chậm quá trình mọc răng, răng mọc lệch, lộn xộn…

Mặt khác trong nhiều trường hợp, trẻ thiếu canxi không bị chậm mọc răng, răng vẫn mọc đúng thời gian, nhưng răng mới mọc dễ bị sâu, dù cho ba mẹ đã giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ.

Vì vậy bổ sung canxi cho trẻ kịp thời, đúng liều lượng chỉ định của bác sĩ là điều hết sức cần thiết.


Trẻ thiếu canxi thường chậm mọc răng hoặc dễ bị sâu răng dù đã vệ sinh răng miệng đúng cách

Xem thêm: Giai đoạn vàng bổ sung Canxi cho trẻ


1.3. Hay bị đổ mồ hôi trộm về đêm

Đây là biểu hiện rất thường gặp ở những trẻ thiếu canxi và vitamin D, nhất là các bé trong giai đoạn 3 tháng tuổi. Khi đó trẻ sẽ dễ bị ra mồ hôi hơn so với các bé khác, chủ yếu ở vùng trán, cổ, lưng và gáy. Hiện tượng này có thể xuất hiện ngay cả khi thời tiết mát mẻ hoặc mùa đông lạnh buốt. Nếu hay bị đổ mồ hôi trộm về đêm, trẻ có thể dễ bị ốm do mất nước và nhiễm lạnh.

Vì thế các bậc phụ huynh không nên chủ quan với tình trạng ra mồ hôi trộm nhiều vào ban đêm của trẻ.


1.4. Trẻ ngủ không sâu giấc, hay trằn trọc

Bên cạnh là thành phần chính cấu tạo nên xương, răng của trẻ, canxi còn đóng vai trò điều tiết sự cân bằng giữa trạng thái hưng phấn và ức chế của vỏ nào. Ngoài ra, canxi cũng là yếu tố quan trọng, tham gia tích cực vào quá trình giải phóng chất dẫn truyền thần kinh ở vỏ não – Acetylcholin.

Do đó trẻ bị thiếu canxi sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình truyền tải xung thần kinh lên trung ương thần kinh, từ đó sẽ khiến vỏ não liên tục ở trong trạng thái ức chế. Vì thế trẻ bị thiếu canxi sẽ có biểu hiện khó ngủ, ngủ trằn trọc, không sâu giấc, thậm chí nhiều bé sẽ tỉnh dậy liên tục và hay quấy khóc về đêm.


Thiếu canxi khiến trẻ ngủ không sâu giấc, hay quấy khóc về đêm


1.5. Hay bị nấc cụt, nôn trớ

Trẻ bị thiếu canxi có thể gây co thắt thanh quản, dẫn đến khó thở và gây co thắt dạ dày khiến trẻ bị nấc cụt, nôn trớ thức ăn hoặc ọc sữa.

Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, trẻ có thể xuất hiện cơn tăng nhịp tim, suy tim, khiến trẻ bị thở nhanh hoặc ngưng thở. Vì thế ba mẹ cần đặc biệt chú ý đến các biểu hiện thiếu canxi ban đầu như nấc cụt, ọc sữa, nôn trớ của trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời.


1.6. Trẻ biết đi muộn, lười đi

Nhiều bậc phụ huynh thường thắc mắc tại sao có bé 10 tháng đã biết đi, nhưng cũng có bé tới 18 tháng vẫn chưa thể tự bước đi hoặc đứng lên, thời gian bé tập bò, tập đứng rất muộn… Thực tế đây có thể là hệ quả của việc thiếu hụt canxi ở trẻ nhỏ. 

Ngoài ra hầu hết các dấu hiệu thiếu hụt canxi ở trẻ dưới 1 tuổi thường biểu hiện ở chân, với các biểu hiện dễ nhận biết bằng mắt thường như chân cong, chân vòng kiềng, chân đứng hình chữ O, chữ X, cơ bắp ở chân lỏng lẻo, chân đứng yếu…

Do đó khi phát hiện trẻ chậm biết đi, đứng hơn các bạn cùng trang lứa, ba mẹ nên chú ý theo dõi và đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, cũng như đưa ra giải pháp phù hợp.


1.7. Chậm nhận thức hơn các bạn cùng tuổi

Như đã trình bày ở trên, canxi là thành phần tham gia tích cực vào quá trình dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Khi trẻ bị thiếu canxi sẽ khiến trẻ chậm phản xạ, nhận thức khó khăn và khó thích nghi, kém linh hoạt hơn so với những em bé khác.

Do vậy thiếu canxi không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, xương, răng của trẻ mà nó còn là nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển trí não. Vì thế ba mẹ cần phát hiện sớm các biểu hiện thiếu canxi ở trẻ và có cách bổ sung hợp lý.


Thiếu canxi có thể khiến trẻ chậm nhận thức, gặp khó khăn trong việc thích nghi


1.8. Trẻ bị tóc rụng vành khăn

Rụng tóc vành khăn hay còn gọi là “chiếu liếm” là biểu hiện của trẻ thiếu canxi dễ nhìn thấy bằng mắt thường. Khi trẻ bị thiếu canxi, đặc biệt là các bé dưới 2 tuổi thường có tình trạng tóc phía sau gáy mọc không đều hoặc bị rụng tóc vành khăn. 

Nếu phát hiện tình trạng này, ba mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để tìm cách bổ sung canxi kịp thời cho trẻ.


Rụng tóc vành khăn là dấu hiệu điển hình của các bé sơ sinh bị thiếu canxi


1.9. Thóp liền muộn

Thóp là vùng mềm nối giữa xương sọ phía trên trán của trẻ sơ sinh với đầu, do vậy nếu phần thóp liền quá sớm hoặc quá muộn đều gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.

Thông thường thóp của trẻ sẽ liền lại sau 12 - 18 tháng tuổi, nếu phần này liền lại sớm sẽ gây hạn chế đến sự phát triển của não bộ. Ngược lại nếu thóp liền muộn hơn so với bình thường là một trong những biểu hiện thiếu canxi ở trẻ.

Cụ thể khi trẻ sơ sinh bị thiếu canxi thì thóp sẽ lâu liền lại, đầu trẻ to bất thường dù cơ thể gầy yếu, còi cọc.


Thóp liền chậm là biểu hiện thiếu canxi thường gặp ở trẻ

Bài viết liên quan: Những điều ba mẹ cần biết khi bổ sung Canxi cho trẻ


2. Cách kiểm tra xem trẻ có bị thiếu canxi không?

Ngoài các biểu hiện thiếu canxi được nhận biết bằng mắt thường, phụ huynh cũng nên kiểm tra tình trạng thiếu canxi ở trẻ thông qua các xét nghiệm y khoa. Điều này sẽ giúp đánh giá chính xác mức độ thiếu hụt canxi trong cơ thể trẻ, từ đó đưa ra phương án bổ sung phù hợp.

Một số xét nghiệm đánh giá nồng độ canxi trong cơ thể trẻ có thể được thực hiện như sau:

  • Xét nghiệm canxi máu: Xét nghiệm này giúp xác định cơ thể trẻ có đang bị thiếu canxi hay không, thiếu ít hay nhiều để bổ sung phù hợp. Xét nghiệm canxi máu sẽ gồm hai loại xét nghiệm đó là Xét nghiệm canxi máu toàn phần (thường được chỉ định) và Xét nghiệm canxi ion hóa.

  • Đo mật độ xương: Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ xác định tình trạng thiếu canxi và mật độ canxi trong xương. Từ đó chẩn đoán xem trẻ có đang bị loãng xương hay không.

Tùy thuộc vào tình trạng, biểu hiện thiếu hụt canxi của từng trẻ mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp kiểm tra phù hợp.


3. Khi nào cần đưa trẻ bị thiếu canxi đến gặp bác sĩ?

Khi phát hiện các dấu hiệu thiếu canxi của trẻ, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng, biểu hiện của mỗi bé mà thời điểm đưa con đi khám có thể sẽ khác nhau.

  • Đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức: Khi trẻ có một trong các dấu hiệu nặng như mệt lả, lờ đờ, nôn mửa, co giật… Đây là những dấu hiệu báo động tình trạng thiếu canxi trầm trọng, đe dọa đến sức khỏe của trẻ và cần được sơ cấp cứu kịp thời.

  • Đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt: Các biểu hiện thiếu canxi ở trẻ như rụng tóc vành khăn, đổ mồ hôi trộm… là các trường hợp không phải tình huống cấp cứu, vì thế ba mẹ không cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Tuy nhiên, ba mẹ nên sắp xếp thời gian đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám, tư vấn các cách bổ sung canxi hiệu quả, kịp thời.

Trên đây là các thông tin chi tiết về biểu hiện của trẻ thiếu canxi mà các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý. Bởi thiếu hụt canxi có thể gây ra những hệ quả khôn lường đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên khi muốn bổ sung canxi cho trẻ, bạn nên tìm hiểu kỹ và xin ý kiến bác sĩ, không nên tự ý sử dụng cho trẻ nhé.

Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Văn Hoà
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Văn Hoà

Bác sĩ Trần Văn Hòa là bác sĩ nhi khoa giỏi, hài hước, tận tâm và vô cùng yêu thương trẻ nhỏ. Ngoài việc tham gia khám và điều trị các bệnh lý về Nhi Khoa, anh còn tích cực tham gia giảng dạy tại Trường Đại Học Kỹ Thuật Y Dược Đà Nẵng.

  • Facebook