Cảnh báo 10 dấu hiệu bé thiếu canxi mà mẹ không nên bỏ qua

5.0/5 (1 đánh giá)
Bài viết đã được chuyên gia trong lĩnh vực Y Dược tham vấn và kiểm tra tính xác thực về nội dung. Tất cả kiến thức cung cấp đảm bảo khoa học và dựa trên các tài liệu tham khảo uy tín, những nghiên cứu cập nhật mới nhất
Canxi là vi chất quan trọng đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ . Trẻ không được cung cấp đủ canxi theo nhu cầu thường phát triển kém và có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác nhau. Vậy làm sao biết được con đang bị thiếu canxi? Hãy cùng Neokids tìm hiểu về 10 dấu hiệu bé thiếu canxi điển hình qua bài viết dưới đây mẹ nhé

1. Vai trò quan trọng của canxi với trẻ nhỏ

Canxi chiếm khoảng 2% tổng trọng lượng cơ thể, hầu hết tập trung tại răng và xương, một phần ít có trong máu và dịch ngoại bào.Đây là thành phần chính của khung xương cơ thể, là vi chất thiết yếu giúp trẻ phát triển chiều cao, xương và răng chắc khỏe, cứng cáp.

Bên cạnh đó, canxi còn có nhiều vai trò khác như: Tham gia quá trình dẫn truyền tế bào thần kinh, chức năng co duỗi cơ, tham gia vào chu trình đông máu,...Trẻ không được bổ sung đầy đủ canxi theo nhu thường gặp tình trạng còi xương, chậm phát triển chiều cao, răng yếu, giảm miễn dịch, thậm chí là ức chế dẫn truyền thần kinh gây co giật, rối loạn hoạt động và giấc ngủ.

Khuyến nghị từ Viện dinh dưỡng Quốc gia (2012), nhu cầu Canxi của trẻ trong 1 ngày theo từng giai đoạn cụ thể:

  • Trẻ 0 - 6 tháng tuổi: 300 mg canxi/ ngày

  • Trẻ 7 - 12 tháng tuổi: 400 mg canxi/ ngày

  • Trẻ 12 tháng - 3 tuổi: 500 mg canxi/ ngày

  • Trẻ 4 - 6 tuổi: 600 mg canxi/ ngày

  • Trẻ 7 - 9 tuổi: 700 mg canxi/ ngày

  • Trẻ 10 tuổi: 1000 mg canxi/ ngày

  • Trẻ trên 10 tuổi: 1200 mg canxi/ ngày

2. 10 dấu hiệu bé thiếu canxi điển hình mà mẹ cần lưu ý

Thiếu canxi có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Dưới đây là 10 biểu hiện bé thiếu canxi điển hình nhất, mẹ tham khảo để kịp thời phát hiện và bổ sung đầy đủ cho bé nhé!

2.1. Chậm phát triển chiều cao

Canxi đóng vai trò trọng điểm trong sự phát triển hệ xương của trẻ. Thiếu canxi trầm trọng dẫn đến tình trạng trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng, loãng xương và chậm phát triển chiều cao.



2.2 Giật mình, ngủ không sâu giấc

Canxi tham gia vào hoạt động dẫn truyền thần kinh. Cơ thể trẻ bị thiếu canxi sẽ làm tăng sự hưng phấn quá mức dẫn đến con dễ bị căng thẳng, hay giật mình, nổi cáu và quấy khóc về đêm.

Bên cạnh đó, canxi còn ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Chúng làm chậm sự dẫn truyền trên não giúp não bộ được thư giãn, nghỉ ngơi, tạo giấc ngủ sâu. Khi canxi bị thiếu hụt một lượng nhất định, sự thư giãn này sẽ bị ức chế nên con có biểu hiện khó ngủ, trằn trọc ngủ không sâu giấc dẫn đến hay quấy khóc về đêm.


Trẻ thiếu hụt canxi thường ngủ không sâu giấc, vặn mình


2.3 Hay đổ mồ hôi trộm

Trẻ bị thiếu canxi thường có biểu hiện hay bị ra mồ hôi trộm, đặc biệt là vùng gáy và trán, ngay cả khi khi bé đang ngủ.

Tình trạng này cũng có thể gặp ngay cả khi thời tiết lạnh, nhất là vào ban đêm. Vì vậy, ba mẹ cần chú ý dùng khăn mềm lau để tránh con bị nhiễm lạnh do ra nhiều mồ hôi trộm.


2.4 Rụng tóc vành khăn - Dấu hiệu bé thiếu canxi

Rụng tóc vành khăn là tình trạng trẻ bị rụng tóc ở sau gáy, theo một đường vòng tròn giống hình vành mũ ở quanh đầu. Đây có thể được coi là dấu hiệu sớm của chứng còi xương với nguyên nhân chính là thiếu hụt vitamin D gây rối loạn quá trình chuyển hóa và hấp thu canxi.

Tình trạng này không chỉ thấy ở các trẻ còi, yếu mà còn gặp ở cả các bé trông bụ bẫm mập mạp nhưng bị thiếu canxi.


2.5 Chân tay yếu, chậm biết đi, móng giòn yếu

Canxi là thành phần chính trong xương, giúp xương răng và móng phát triển khỏe mạnh. Chính vì thế khi bị thiếu hụt canxi thường thấy:

  • Hệ xương khớp phát triển kém, bé chậm biết lẫy, biết đi, xương nhỏ, yếu, khớp mềm, dễ bị biến dạng, chân vòng kiềng,...

  • Răng mọc chậm, yếu, dễ bị sâu và lung lay.

  • Móng yếu mềm, dễ bị gãy.


    2.6 Dấu hiệu bé thiếu canxi - Hay nấc cụt, ọc sữa

    Hay bị nấc cụt, ọc sữa cũng là dấu hiệu thường thấy ở trẻ bị thiếu hụt canxi. Canxi tham gia vào quá trình dẫn truyền tín hiệu co thắt cơ tại đường hô hấp, các cơn co thắt thanh quản do thiếu hụt canxi có thể khiến con khò khè, khó thở, nấc và ọc sữa ra ngoài. 

    Trong một số trường hợp nghiêm trọng, cơn co thắt có thể khiến bé ngưng thở và suy tim vì vậy mà ba mẹ không nên chủ quan.


    2.7 Trẻ hay bị nhức mỏi, đau chân và chuột rút cơ

    Do thành phần chính của khung xương là canxi, trẻ không được bổ sung đầy đủ dẫn đến mật độ canxi trong xương giảm làm xương bị yếu, gây cảm giác nhức mỏi đặc biệt là ở chân. Tình trạng này dễ nhận biết nhất ở các trẻ trên 18 tháng tuổi.

    Ngoài ra, canxi còn tham gia sự trao đổi ion qua màng tế bào, điều hòa hoạt động co duỗi các cơ. Chính vì vậy, khi bị thiếu hụt một lượng đáng kể sẽ khiến quá trình trên bị rối loạn và gây co giật các cơ chính vì vậy mà  bé sẽ hay bị chuột rút.


    Chân tay nhức mỏi, bị chuột rút là dấu hiệu thiếu canxi điển hình ở cả trẻ em và người lớn


    2.8 Trẻ nhận thức chậm, phản xạ kém với môi trường xung quanh

    Nhận thức chậm, tâm lý bị rối loạn, khó thích ứng với môi trường xung quanh cũng là dấu hiệu cảnh báo con đang bị thiếu canxi. Một số bé bị thiếu canxi trầm trọng còn phản xạ rất chậm thậm chí là thờ ơ, không quan tâm đến xung quanh.


    2.9 Bé thiếu canxi có biểu hiện chán ăn

    Trẻ biếng ăn có thể do nhiều yếu tố gây ra, trong đó thiếu canxi là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Thiếu canxi khiến cơ thể bé mệt mỏi dẫn đến con giảm cảm giác thèm ăn, chán ăn, ăn không ngon. Trẻ thiếu canxi kết hợp với biếng ăn kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của bé sau này.


    2.10 Miễn dịch suy yếu, hay ốm vặt

    Canxi cũng là thành phần đầu tiên phát hiện các yếu tố lạ gây bệnh xâm nhập vào trong cơ thể và truyền thông báo kích thích hoạt động của hệ miễn dịch. Chính vì vậy, trẻ thiếu hụt canxi thường dễ bị nhiễm khuẩn và mắc các bệnh theo mùa.


    3. Vì sao trẻ lại bị thiếu hụt canxi?

    Có 3 nguyên nhân chính gây thiếu hụt canxi ở trẻ nhỏ:

    • Không được cung cấp đủ canxi the nhu cầu: Trẻ có thể bị thiếu hụt canxi do không được bổ sung đầy đủ qua chế độ ăn uống. Trường hợp này khá phổ biến ở các trẻ chỉ uống sữa công thức và sữa bò mà không được bổ sung thêm canxi.

    • Trẻ sinh non, nhẹ cân: Ở trẻ sinh non hoặc trẻ mới sinh nhẹ cân thường có nguy cơ bị thiếu canxi cao hơn. Thường là do con chưa nhận đủ canxi khi ở trong bụng mẹ dẫn đến nguy cơ cao thiếu canxi sau sinh.

    • Mẹ không bổ sung đủ canxi trong thời kỳ mang thai: Nếu chế độ ăn của mẹ thiếu canxi hoặc mẹ hấp thu canxi kém dẫn đến thai nhi đang phát triển không được nhận đủ lượng canxi. Từ đó dẫn đến tình trạng trẻ dễ bị thiếu canxi sau sinh hoặc gặp một số bệnh lý gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu canxi.


    Nguyên nhân thường gặp nào khiến con hay bị thiếu canxi?

    4. Biện pháp phòng ngừa thiếu canxi ở trẻ nhỏ

    Trẻ nhỏ thiếu hụt canxi lâu dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát của con, chính vậy ba mẹ cần có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Dưới đây là một số giải pháp giúp con luôn đảm bảo có đủ lượng canxi trong cơ thể:

    • Bổ sung đầy đủ canxi cho mẹ trong thai kỳ:

    Canxi từ mẹ trong thai kỳ đóng vai trì quan trọng đảm bảo lượng canxi tối ưu cho trẻ sau sinh. Trong thời kỳ mang thai, mẹ nên cố gắng bổ sung đầy đủ canxi cho bản thân cũng như sự phát triển của thai nhi.

    Nguồn cung cấp canxi tốt cho mẹ bầu từ chế độ ăn gồm các sản phẩm chế biến từ sữa, rau xanh và thực phẩm tăng cường canxi. Bên cạnh đó, nếu lượng canxi cung cấp từ chế độ ăn không đáp ứng đủ, các chuyên khoa nhi có thể khuyên mẹ bổ sung thêm canxi dành cho mẹ bầu.

    • Bổ sung đầy đủ canxi cho nhóm trẻ có nguy cơ cao

    Trẻ có nguy cơ cao thiếu canxi bao gồm trẻ sinh non, trẻ thấp bé nhẹ cân. Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ thường không hấp thụ hoàn toàn lượng canxi trong thức ăn, có đến khoảng 70 - 80% lượng canxi không được hấp thụ. Chính vì vậy, việc bổ sung đầy đủ canxi cho bé phát triển khỏe mạnh là điều ba mẹ cần hết sức lưu ý.

    Tuy nhiên, việc bổ sung canxi cho trẻ cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ và dược sĩ để đảm bảo bổ sung đúng và đủ liều cho con. Liều lượng và thời gian bổ sung phụ thuộc vào tình trạng của mỗi bé và chú ý cần được hướng dẫn rõ ràng bởi các chuyên gia sức khỏe.

    • Cân đối dinh dưỡng cho trẻ:

    Đối với trẻ sơ sinh nên được bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu và không nên cai sữa khi con chưa đủ 12 tháng tuổi. Trong giai đoạn này, việc bổ sung vitamin D thông qua hoạt động tắm nắng và bổ sung ngoài sẽ hỗ trợ bé hấp thu canxi tốt nhất từ sữa mẹ. Theo các chuyên gia, mẹ nên cho con tắm nắng 10 - 15 phút mỗi ngày tùy mỗi mùa. Nơi ở của bé cần sạch sẽ, thoáng mát và có nhiều ánh sáng mặt trời.

    Khi trẻ bắt đầu tập ăn dặm, mẹ nên cân đối chế độ ăn của bé và lựa các thực phẩm giàu canxi cho con như trứng, sữa, đậu phụ, ngũ cốc dinh dưỡng, rau xanh. Mẹ nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một thực đơn đầy đủ và phù hợp nhất với sở thích của con.


    Cân đối dinh dưỡng là biện pháp đơn giản, an toàn đảm bảo con được bổ sung đầy đủ lượng canxi cần thiết

    • Cho bé đi kiểm tra dinh dưỡng định kỳ:

    Khám sức khỏe định kỳ là rất cần thiết để mẹ có thể phát hiện sớm trước khi có dấu hiệu bé thiếu canxi. Khi thăm khám, bác sĩ có thể đánh giá chính xác tình trạng dinh dưỡng của bé, đo nồng độ canxi thông qua các xét nghiệm. Từ đó cho kết luận con có nguy cơ thiếu vi canxi hay không và đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp nhất. 

    Canxi là chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, đừng để đến khi con có các biểu hiện rõ ràng mới bắt đầu bổ sung cho bé mẹ nhé. Như vậy qua bài viết trên, Neokids đã cùng mẹ nhận biết 10 dấu hiệu bé thiếu canxi điển hình. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, hãy để lại dưới phần bình luận để được các chuyên gia tận tình tư vấn mẹ nhé!

    Dược sĩ Đỗ Thanh Vân
    Dược sĩ Đỗ Thanh Vân

    Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực dược, Dược sĩ Thanh Vân có kiến thức chuyên môn và nhiều kinh nghiệm trong tư vấn dược, đặc biệt là tư vấn chăm sóc sức cho khoẻ mẹ và bé.