Trẻ bị sốt xuất huyết cần kiêng gì để không gặp biến chứng?

5.0/5 (1 đánh giá)
Bài viết đã được chuyên gia trong lĩnh vực Y Dược tham vấn và kiểm tra tính xác thực về nội dung. Tất cả kiến thức cung cấp đảm bảo khoa học và dựa trên các tài liệu tham khảo uy tín, những nghiên cứu cập nhật mới nhất
Trẻ bị sốt xuất huyết cần kiêng gì là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm khi trong nhà có trẻ mắc bệnh. Bởi nếu áp dụng một chế độ chăm sóc, điều trị khoa học và hợp lý sẽ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh và hạn chế nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm.

1. Tại sao trẻ cần phải kiêng cữ khi bị sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue tấn công vào cơ thể thông qua vết cắn của muỗi vằn mang virus. 

Khi trẻ bị sốt xuất huyết, ngoài việc cho trẻ nghỉ ngơi, chăm sóc tốt thì ba mẹ cũng cần chú ý kiêng cữ cho con. Bởi sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang nặng nhanh chóng.

Với các trường hợp nặng, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết nội tạng bên trong, tổn thương gan, thận hoặc hệ thần kinh. Thậm chí nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong cho trẻ nhiễm bệnh.

Vì vậy bên cạnh các thực phẩm, việc làm được khuyến nghị, ba mẹ cần lưu ý một số điểm cần tránh để đề phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho trẻ.


Sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm với trẻ em

2. Trẻ bị sốt xuất huyết cần kiêng gì?

Chế độ sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và quá trình điều trị sốt xuất huyết. Dưới đây là các đáp án cho câu hỏi sốt xuất huyết cần kiêng gì để bệnh không trầm trọng hơn:

2.1. Không tự ý dùng thuốc hạ sốt

Sốt là triệu chứng điển hình khi trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên ba mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Bởi vì nếu dùng thuốc hạ sốt không đúng cách sẽ khiến bệnh trở nặng hơn và gây nguy hiểm cho trẻ.

Ví dụ trẻ bị sốt xuất huyết cần tránh dùng aspirin và ibuprofen, dù đây là hai loại thuốc hạ sốt khá phổ biến. Nguyên nhân cụ thể là do:

  • Thuốc aspirin: Đây là loại thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm, hạ sốt mạnh. Đồng thời nó còn có tác dụng ức chế sự kết tập tiểu cầu - một yếu tố quan trọng của quá trình đông máu. Vì thế sử dụng aspirin cho trẻ có thể khiến tình trạng chảy máu do xuất huyết càng nghiêm trọng hơn.

  • Thuốc ibuprofen: Cũng là một loại thuốc nằm trong nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Dù tác dụng ức chế sự kết tập tiểu cầu không mạnh như aspirin, nhưng ibuprofen cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở trẻ bị sốt xuất huyết.

Vì thế ba mẹ cần ghi nhớ, khi con bị sốt xuất huyết thì chỉ sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

2.2. Tránh tiếp xúc với muỗi

Trẻ bị sốt xuất huyết cần kiêng gì? Đáp án tiếp theo cho câu hỏi này chính là tránh tiếp xúc với muỗi. Vì khi mắc bệnh nghĩa là có nhiều khả năng trẻ đang ở trong vùng dịch, có nhiều muỗi mang virus gây bệnh.

Do đó, ba mẹ không để trẻ bị muỗi cắn nhằm tránh bị truyền thêm một lượng virus khiến bệnh nặng thêm. Đồng thời ngay khi trẻ vừa khỏi bệnh sốt xuất huyết vẫn có thể tái nhiễm qua vết đốt của muỗi vằn mang chủng virus khác.

Để hạn chế nguy cơ trẻ tiếp tục bị muỗi đốt, ba mẹ nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, tránh đọng nước xung quanh nhà, cho trẻ ngủ trong màn…


Trẻ bị sốt xuất huyết cần tránh bị muỗi đốt

2.3. Trẻ bị sốt xuất huyết có kiêng tắm gội không?

Khi bị sốt xuất huyết, nhiều phụ huynh thường băn khoăn không biết trẻ bị sốt xuất huyết cần kiêng gì hay có cần kiêng tắm gội không. Đặc biệt, trẻ nhỏ còn là đối tượng có sức khỏe yếu, ba mẹ không dám tắm cho con, lo lắng trẻ sẽ bị ốm nặng hơn.

Theo các chuyên gia, trẻ bị sốt xuất huyết cần tránh tắm gội bằng nước lạnh. Bởi vì nước lạnh sẽ khiến các mạch máu ngoài da co lại và mạch trong nội tạng giãn ra, làm tăng nguy cơ chảy máu bên trong.

Tuy nhiên ba mẹ vẫn có thể tắm rửa cho trẻ bị sốt xuất huyết nếu:

  • Có thể tắm gội hoặc lau người cho trẻ bằng nước ấm vừa phải, ở nơi kín gió.

  • Không tắm và ngâm mình cho trẻ bị sốt trong nước quá lâu.

  • Sau khi tắm gội xong cần lau khô người và sấy khô tóc tránh để ẩm khiến cơ thể trẻ bị lạnh.

  • Nếu trẻ bị sốt xuất huyết có tình trạng hạ tiểu cầu, ba mẹ cần tránh kỳ cọ mạnh khi tắm. Bởi điều này có thể khiến con bị chảy máu dưới da hoặc trong cơ.

  • Trong thời gian từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 kể từ khi mắc bệnh, ba mẹ nên hạn chế tắm gội cho bé, tốt nhất chỉ nên dùng khăn ấm lau người cho các bé.

2.4. Bị sốt xuất huyết trẻ cần kiêng gió?

Đáp án là có, do khi bị sốt xuất huyết trẻ có thể sốt cao đến 39 hoặc 40 độ C, đôi khi kèm theo các cơn rét run. Nếu gặp gió các mạch máu ngoại vi của trẻ đang giãn do thân nhiệt tăng sẽ đột ngột co lại. Hiện tượng này sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết. Vì thế ba mẹ cần chú ý cho trẻ kiêng tiếp xúc với gió trời hoặc hạn chế gió quạt.


Khi bị sốt xuất huyết cần cho trẻ hạn chế tiếp xúc với gió

2.5. Tránh vận động, đi lại nhiều

Đây là một lưu ý cực kỳ quan trọng khi đề cập tới vấn đề trẻ bị sốt xuất huyết cần kiêng gì. Do các nguy cơ va chạm, chấn thương sẽ gây chảy máu và xuất huyết trầm trọng hơn. Đặc biệt là trẻ nhỏ cần được người nhà theo dõi và phòng ngừa nguy cơ té ngã, va đập.

Vì thế khi trẻ bị sốt xuất huyết, ba mẹ cần cho bé nghỉ ngơi nhiều, hạn chế đi lại, vận động.

3. Trẻ em bị sốt xuất huyết kiêng ăn gì để nhanh khỏi?

Ngoài các thực phẩm nên ăn để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, bổ sung năng lượng cần thiết cho quá trình phục hồi. Ba mẹ cũng cần lưu ý đến các loại thực có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị bệnh. Cụ thể trẻ em bị sốt xuất huyết cần kiêng ăn gì?

3.1. Không ăn các thực phẩm có màu sẫm 

Bởi trong thời gian mắc bệnh sốt xuất huyết, trẻ em có nguy cơ bị chảy máu đường tiêu hóa, khiến đi đại tiện ra máu hoặc phân đen. Nếu ăn các thực phẩm có màu đen, đỏ, nâu sẽ rất khó phân biệt và có thể bị nhầm lẫn với màu thức ăn. Từ đó dẫn đến bỏ qua triệu chứng nghiêm trọng của bệnh sốt xuất huyết.

Vì thế khi trẻ bị sốt xuất huyết, ba mẹ cần tránh cho trẻ ăn các thực phẩm như củ dền, đậu đỏ, đậu đen, sô cô la…

3.2. Bị sốt xuất huyết không nên cho trẻ ăn trứng

Trứng là loại thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Tuy nhiên trong thời gian bị sốt xuất huyết, ba mẹ nên tránh cho trẻ ăn trừng. 

Vì khi cơ thể tiêu hóa trứng sẽ sản sinh ra một lượng nhiệt lớn, tích trữ trong cơ thể. Do đó khi trẻ ăn trứng gà sẽ làm cho thân nhiệt tăng lên nhưng nhiệt lại không thể phát tán ra ngoài. Điều này khiến cho tình trạng sốt ở trẻ lâu khỏi hơn.


Ăn trứng có thể khiến trẻ lâu hạ sốt hơn

3.3. Tránh xa các thực phẩm không lành mạnh

Khi bị sốt xuất huyết, trẻ thường mệt mỏi, chán ăn, dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng. Vì thế nhiều phụ huynh đã lựa chọn món ăn theo sở thích của trẻ để giúp trẻ có thể ăn nhiều hơn. 

Tuy nhiên không phải lúc nào trẻ ăn nhiều cũng tốt, nhất là các thực phẩm không lành mạnh, ví dụ như:

  • Các món ăn chiên rán nhiều dầu mỡ: Trẻ bị sốt xuất huyết khi ăn nhiều các món ăn này sẽ khiến quá trình phục hồi bị ảnh hưởng, gây suy yếu hệ miễn dịch. Ngoài ra đồ ăn nhiều dầu mỡ còn khiến trẻ bị khó tiêu và gặp các vấn đề về hệ tiêu hóa.

  • Đồ ăn cay nóng: Các món ăn cay nóng có thể khiến dạ dày tích tụ nhiều acid, gây loét dạ dày. Những tổn thương dạ dày này có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị và phục hồi khi trẻ bị sốt xuất huyết.

  • Đồ ngọt: Các thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện như nước ngọt, bánh kẹo, mứt… khi hấp thu vào cơ thể sẽ khiến các tế bào bạch cầu hoạt động chậm chạp, khả năng diệt khuẩn bị suy yếu và bệnh sốt xuất huyết ở trẻ càng lâu khỏi.

Do vậy chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi sức khỏe của trẻ khi bị sốt xuất huyết. Ba mẹ cần hạn chế cho con ăn các thực phẩm kể trên, thay vào đó nên tăng cường rau xanh, trái cây, cá, thịt gà… vào thực đơn của trẻ.

3.4. Không nên cho trẻ ăn thực phẩm có chứa salicylates

Salicylate là chất có tác dụng tương tự aspirin, gây ức chế quá trình kết tập tiểu cầu, làm chậm quá trình đông máu. Vì thế khi trẻ bị sốt xuất huyết ăn các thực phẩm này sẽ làm tăng khả năng chảy máu, gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Các thực phẩm có salicylates mà trẻ cần tránh ăn bao gồm: Hạt tiêu, gừng, dưa chuột, nho, khoai tây, cà chua…


Thực phẩm có chứa salicylates, trẻ cần tránh ăn khi bị sốt xuất huyết

Trên đây là danh sách các việc làm và món ăn cần tránh cho trẻ ăn khi bị sốt xuất huyết. Các bậc phụ huynh quan tâm đến sốt xuất huyết kiêng gì sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và khả năng hồi phục nhanh chóng cho con em của mình.

Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Văn Hoà
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Văn Hoà

Bác sĩ Trần Văn Hòa là bác sĩ nhi khoa giỏi, hài hước, tận tâm và vô cùng yêu thương trẻ nhỏ. Ngoài việc tham gia khám và điều trị các bệnh lý về Nhi Khoa, anh còn tích cực tham gia giảng dạy tại Trường Đại Học Kỹ Thuật Y Dược Đà Nẵng.

  • Facebook