Viêm phổi ở trẻ em: Dấu hiệu mẹ không được bỏ qua

0/5 (0 đánh giá)
Bài viết đã được chuyên gia trong lĩnh vực Y Dược tham vấn và kiểm tra tính xác thực về nội dung. Tất cả kiến thức cung cấp đảm bảo khoa học và dựa trên các tài liệu tham khảo uy tín, những nghiên cứu cập nhật mới nhất
Viêm phổi ở trẻ em à căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất đối với trẻ em trên toàn thế giới. Theo Unicef - Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, hàng năm viêm phổi cướp đi sinh mạng của hơn 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi, tức là cứ 45 giây mỗi ngày lại có ít nhất một trẻ tử vong do viêm phổi.

Theo các chuyên gia đầu ngành, hầu hết tất cả ca tử vong do viêm phổi đều có thể phòng ngừa được. Vậy, làm thế nào để phát hiện và kiểm soát tốt tình trạng viêm phổi ở trẻ em? Bài viết hôm nay sẽ cung cấp cho ba mẹ thông tin chi tiết về bệnh lý này!

1. Viêm phổi ở trẻ em là gì?

Viêm phổi được xếp vào nhóm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, xảy ra khi có vi khuẩn hoặc virus tấn công vào phổi gây ra các ổ nhiễm trùng. Tất cả trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc viêm phổi, tuy nhiên bệnh thường phổ biến và gây biến chứng nặng nề ở những trẻ dưới 5 tuổi.


Viêm phổi ở trẻ em là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp dưới

Viêm phổi ở trẻ em thường được chia làm 2 loại gồm:

Viêm phổi thuỳ: Viêm phổi thuỳ được xác định khi ổ viêm nhiễm xuất hiện ở nhu mô phổi, phế nang và các phế quản tận cùng. Kết quả kiểm tra cận lâm sàng có thể phát hiện túi phế nang chứa đầy dịch gồm: mủ, chất nhầy và vi khuẩn. Viêm phổi thuỳ thường gặp ở thời điểm giao mùa đông - xuân và tạo thành các đợt dịch bùng phát tại nhà trẻ, trường học,...

Viêm phế quản phổi: Viêm phế quản phổi là tình trạng nhiễm trùng cấp ở khu vực phế quản, phế nang và các mô kẽ. Bệnh tiến triển nhanh chóng, có thể gây biến chứng suy hô hấp nặng dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi rất dễ mắc phải bệnh lý này.

2.  Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ em

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu gây viêm phổi ở trẻ em là do các loại vi khuẩn và virus xâm nhập vào đường hô hấp và gây tổn thương ở phổi. Những loại vi trùng này có thể lây lan trực tiếp qua đường hô hấp khi trẻ nói chuyện hoặc tiếp xúc với dịch ho, hắt hơi của người bệnh hoặc người lành có mang mầm bệnh trên người.

Những loại vi khuẩn, virus đã được xác định gây viêm phổi ở trẻ gồm:

  • Viêm phổi ở trẻ trên 5 tuổi: Thường bị viêm phổi do các loại vi khuẩn như: Mycoplasma Pneumoniae, Chlamydia Pneumoniae, phế cầu và các loại siêu vi hô hấp.

  • Trẻ dưới 5 tuổi: Thường bị viêm phổi do: phế cầu, liên cầu pyogenes, tụ cầu vàng và vi khuẩn HiB.

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi: Ngoài các loại vi khuẩn thường gặp ở nhóm dưới 5 tuổi, viêm phổi ở độ tuổi này còn có thể xảy ra do vi khuẩn E.coli, Proteus,...


    Vi khuẩn là nguyên nhân chính gây viêm phổi ở trẻ, điển hình Mycoplasma Pneumonia

    3. Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em

    Biểu hiện viêm phổi ở mỗi trẻ là khác nhau. Trẻ càng nhỏ tuổi thì các triệu chứng càng có xu hướng rầm rộ và tiến triển nhanh chóng hơn. Dưới đây là một số trường hợp cụ thể để ba mẹ theo dõi.

    3.1 Triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh

    Trẻ sơ sinh là cách gọi chung cho những em bé từ 1 tháng tuổi trở xuống. Ở giai đoạn này, trẻ đang tập làm quen với cuộc sống ngoài bụng mẹ. Các cơ quan trong cơ thể bao gồm phổi còn rất non nớt, vì vậy trẻ rất dễ bị viêm phổi nếu bị vi khuẩn tấn công.


    Sốt cao là triệu chứng thường gặp ở trẻ bị viêm phổi

    Đa số trường hợp viêm phổi ở trẻ sơ sinh đều có các triệu chứng rầm rộ như:

    • Trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C.

    • Nhịp thở nhanh > 60 lần/ phút kèm theo triệu chứng rút lõm lồng ngực.

    • Trẻ ho nhiều, ban đầu là ho khan sau đó chuyển sang ho đờm trắng, xanh và vàng.

    • Môi, da và niêm mạc nhợt nhạt do bị thiếu oxy.

    • Trẻ quấy khóc nhiều do đau tức ngực, đau bụng.

    • Bỏ bú, nôn trớ hoặc tiêu chảy.

    3.2 Biểu hiện viêm phổi ở trẻ nhỏ

    Bước qua giai đoạn sơ sinh, phổi của trẻ bắt đầu đã quen dần với chức năng hô hấp. Tuy nhiên, các triệu chứng viêm phổi vẫn được biểu hiện khá rõ rệt như sau:

    • Trẻ thở nhanh, nhịp thở trên 50 lần/ phút với trẻ dưới 1 tuổi và trên 40 lần/ phút ở trẻ dưới 5 tuổi.

    • Có tiếng rít hoặc khò khè khi trẻ thở.

    • Trẻ phải lấy hơi sâu, thở khó khăn.

    • Trẻ bị sốt, ho, sổ mũi, nôn ói kèm theo những cơn ớn lạnh.

    • Xuất hiện triệu chứng đau ngực, đau bụng, tiêu chảy.

    • Trẻ mệt mỏi, uể oải và ít vận động.

    • Chán ăn, ăn không ngon.

    • Môi nhợt nhạt, đầu móng tay trắng, xanh hoặc xám do thiếu oxy. 

    3.3 Viêm phổi nặng ở trẻ em

    Trong một số trường hợp, viêm phổi ở trẻ diễn tiến rất nhanh và gây biến chứng suy hô hấp, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của trẻ. Vì vậy, ba mẹ cần nhận diện sớm dấu hiệu nghiêm trọng và cho trẻ nhập viện điều trị, cụ thể như:

    • Trẻ sốt cao trên 39 độ liên tục trên 3 ngày mà không giảm.

    • Lồng ngực bị rút lõm trong khi trẻ hô hấp, có thể quan sát được ⅓ lồng ngực dưới của trẻ bị lõm sâu xuống.

    • Da trên cơ thể nhợt nhạt, tím tái cho thấy trẻ đang bị thiếu oxy trầm trọng. 


    Ba mẹ cần cho trẻ nhập viện ngay nếu có triệu chứng rút lõm lồng ngực

    Thực tế cho thấy, hầu hết các bậc phụ huynh đều rất khó phân biệt được triệu chứng do viêm phổi và các bệnh hô hấp thông thường. Vì vậy, ngay khi thấy con xuất hiện triệu chứng bất thường hay nghi ngờ về tình trạng viêm phổi, ba mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. .

    4. Viêm phổi ở trẻ em có nguy hiểm không?

    Viêm phổi là bệnh lý mà tất cả các bậc phụ huynh có con nhỏ đều cảm thấy lo ngại. Bởi lẽ, bệnh có thể tiến triển thành biến chứng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ nếu không được điều trị kịp thời.


    Trẻ sơ sinh dễ bị biến chứng suy hô hấp khi viêm phổi

    Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ở trẻ bị viêm phổi gồm:

    • Nhiễm trùng huyết: Xảy ra khi các ổ viêm nhiễm trong phổi làm tổn thương đến hệ thống mạch máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào hệ tuần hoàn gây nhiễm trùng máu. Tình trạng này có thể khiến trẻ bị sốc nhiễm trùng và dẫn đến tử vong.

    • Tràn mủ màng phổi: Lượng mủ, dịch nhầy trong tăng lên nhanh chóng làm giảm hoặc mất khả năng trao đổi khí của các phế nang. Tình trạng này khiến trẻ hô hấp khó khăn và rất khó điều trị bởi thường kèm theo hiện tượng kháng thuốc.

    • Viêm màng não: Vi khuẩn có thể tấn công lên não gây tổn thương não vĩnh viễn, rối loạn chức năng hệ thần kinh, đe dọa đến tính mạng hoặc để lại di chứng về phát triển trí tuệ sau khi điều trị.

    • Áp xe phổi: Các ổ viêm nhiễm có thể phát triển thành áp xe phổi, viêm phổi mạn tính hoặc gây suy giảm miễn dịch.

    • Suy hô hấp: Phổi mất khả năng trao đổi khí gây thiếu oxy tại các cơ quan quan trọng như: tim, não. Hệ quả là trẻ bị rối loạn nhịp tim, giảm huyết áp, mất nhận thức,...

    5. Chẩn đoán và điều trị viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi ở trẻ em là bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

    5.1 Chẩn đoán viêm phổi ở trẻ

    Để biết chính xác trẻ có đang bị viêm phổi hay không, ba mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám ngay từ khi có dấu hiệu bất thường. Tại đây, các bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra cần thiết trước khi đưa ra kết luận. Cụ thể:

    • Khám lâm sàng: Bác sĩ trực tiếp khai thác các triệu chứng mà trẻ đang gặp phải. Sau đó, trẻ sẽ được kiểm tra nhịp thở, nghe tim phổi để xác định tiếng ran bất thường, kiểm tra thân nhiệt, xác định dấu hiệu rút lõm lồng ngực, kiểm tra trạng thái da, môi, niêm mạc và các dấu hiệu toàn thân khác.

    • Khám cận lâm sàng: Bác sĩ chỉ định trẻ thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm máu kiểm tra chỉ số bạch cầu, nuôi cấy đờm tìm kiếm vi khuẩn gây bệnh, chụp X - quang để xác định tổn thương phổi, nội soi phế quản, chụp CT,...

    Trẻ sẽ được khám lâm sàng ngay khi thăm khám ở các cơ sở y tế


    Hình ảnh viêm phổi ở trẻ em, chụp X-quang lồng ngực từ đại học Michigan, Hoa Kỳ: (a) Bé trai 15 tuổi viêm phổi do Mycoplasma pneumonia, có dấu hiệu đông đặc ở thuỳ dưới của phổi bên trái. (b) Bé gái 9 tuổi bị viêm phổi do Mycoplasma pneumonia, có nốt mờ dạng lưới ở phổi trên bên phải.

    Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cuối cùng về tình trạng viêm phổi ở trẻ. Đây cũng là căn cứ để bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị, lựa chọn các loại thuốc phù hợp để điều trị viêm phổi hiệu quả nhất.

    5.2 Cách chữa viêm phổi ở trẻ em

    Để điều trị viêm phổi ở trẻ hiệu quả, trẻ có thể cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp cùng lúc. Điển hình như:

    Thuốc điều trị viêm phổi ở trẻ em

    Thuốc điều trị viêm phổi ở trẻ em được kê đơn dựa trên nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng mà trẻ đang gặp phải. Những thuốc thường được dùng gồm:

    • Thuốc hạ sốt: Phổ biến là paracetamol với liều 10 - 15 mg/kg/lần, mỗi lần dùng cách nhau 4 - 6 tiếng. Thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt ở mức độ nhẹ đến vừa.

    • Ibuprofen: Có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Thuốc thường được kết hợp cùng paracetamol trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục, đã dùng paracetamol mà không cắt được cơn sốt.

    • Thuốc giảm ho: Thường được dùng trong những trường hợp trẻ bị ho khan quá mức. Các hoạt chất thường được dùng như dextromethorphan, noscapin, codein,... giúp ức chế trung tâm ho, giảm phản xạ ho ở trẻ.

    • Thuốc long đờm, tiêu đờm: Sử dụng trong các trường hợp trẻ ho đờm, giúp làm loãng hoặc cắt nhỏ dịch đờm để dễ đẩy khỏi đường hô hấp. Hoạt chất thường dùng gồm: acetylcystein, bromhexin, ambroxol,...

    • Thuốc kháng sinh: Được chỉ định trong trường hợp viêm phổi do vi khuẩn. Tuỳ vào loại vi khuẩn gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh phù hợp.

    • Thuốc kháng nấm: Sử dụng trong trường hợp trẻ bị viêm phổi do nhiễm nấm. Các loại thuốc thường được dùng như: Triazoles, Echinocandins,… 


    Dùng thuốc cho trẻ cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ

    Lưu ý: Tuỳ vào độ tuổi và nguyên nhân mà trẻ cần sử dụng các loại thuốc với hàm lượng khác nhau. Việc sử dụng sai thuốc, sai liều, sai cách có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và hiệu quả điều trị bệnh. Do đó, bố mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng khi không có chỉ định và giám sát của bác sĩ.

    Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà

    Vỗ long đờm (vỗ rung)

    Phương pháp vỗ long đờm được thực hiện cho những trẻ viêm phổi kèm theo triệu chứng ho đờm. Phương pháp này giúp kích tăng tuần hoàn máu lưu thông tại phổi, hỗ trợ long đờm bám trên phế quản, nhờ đó trẻ dễ dàng đẩy đờm ra ngoài sau khi ho.


    Ba mẹ có thể vỗ rung nhằm giúp trẻ loại bỏ đờm tốt hơn

    Cách thực hiện như sau:

    • Ba mẹ hơi gập bàn tay ở cổ tay, rồi khum lòng bàn tay sao cho ngón cái ép vào ngón trỏ.

    • Thực hiện vỗ lưng cho trẻ từ bên trái sang phải, khoảng 3 - 5 lần ở mỗi vị trí.

    • Nên vỗ trước bữa ăn hoặc sau 1 tiếng sau khi ăn.

    • Khi vỗ cần tránh vùng dạ dày, xương ức hay cột sống của trẻ.

    Hướng dẫn trẻ ho đúng cách

    Ho quá nhiều trong viêm phổi có thể khiến trẻ bị đau tức ngực, đau bụng và tổn thương niêm mạc họng. Vì vậy, ba mẹ cần hướng dẫn bé cách ho để đẩy đờm ra hiệu quả mà không khiến các cơ phải hoạt động quá mức. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng được với những trẻ lớn trên 5 tuổi.


    Hướng dẫn trẻ ho đúng cách để tránh đau tức ngực khi ho

    Cách ho cho trẻ như sau:

    • Ba mẹ yêu cầu trẻ ho sau khi được vỗ long đờm.

    • Hướng dẫn trẻ ngồi dậy và đầu hơi ngả về phía trước.

    • Hít một hơi sâu, sau đó mở miệng và thóp cơ bụng để tạo cơn ho sâu. Lặp lại động tác đến khi đờm được đẩy ra ngoài.

    Hút đờm

    Phương pháp hút đờm được thực hiện cho những trẻ nhỏ, chưa làm chủ được phản xạ ho và khạc đờm ra ngoài. Sau khi trẻ được vỗ rung, nhân viên y tế sẽ dùng thiết bị chuyên khoa để hút bỏ đờm dãi ở hầu họng để giúp trẻ đẩy đờm ra ngoài tốt hơn.

    6. Làm thế nào để phòng tránh viêm phổi ở trẻ em?

    Viêm phổi ở trẻ em là bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được thông qua các biện pháp sau:

    6.1 Tiêm vắc xin

    Tiêm vắc xin kích thích cơ thể trẻ tạo ra kháng thể chống lại các vi khuẩn, virus gây bệnh. Vì vậy, khi nhiễm lại những tác nhân này, trẻ sẽ hạn chế bị viêm phổi hoặc chỉ viêm phổi ở mức độ nhẹ, giảm nguy cơ biến chứng.


    Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả phòng ngừa viêm phổi ở trẻ

    Những tác nhân gây viêm phổi có thể phòng ngừa bằng vắc xin gồm: Vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B, vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis, phế cầu, virus cúm và virus sởi. Ba mẹ có thể cho trẻ tiêm vắc xin theo lịch tiêm chủng mở rộng hoặc các phòng tiêm chủng dịch vụ.

    6.2 Giảm tiếp xúc với nguồn bệnh

    Trong những thời điểm nhạy cảm như khi giao mùa hay trong các đợt dịch, ba mẹ cần có các biện pháp giúp con giảm tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như:

    • Hướng dẫn bé đeo khẩu trang khi đến các khu vực công cộng, nơi đông người, bệnh viện,...

    • Vệ sinh không gian lớp học, vật dụng và đồ chơi khi phát hiện trẻ trong lớp bị viêm phổi.

    • Tránh để trẻ tiếp xúc với bệnh nhân viêm phổi hay những người mới tiếp xúc với bệnh nhân viêm phổi.

    • Người chăm sóc trẻ cần thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ để loại bỏ tối đa tác nhân gây bệnh. 

    • Tạo cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân, súc miệng, vệ sinh mũi họng hàng ngày.

    6.3 Tăng cường dinh dưỡng

    Viêm phổi thường gặp ở trẻ có thể trạng kém, suy dinh dưỡng hay giảm miễn dịch. Vì vậy, ba mẹ cần chủ động áp dụng các biện pháp tăng cường dinh dưỡng nhằm cải thiện thể trạng cho con. 

    Một số lưu ý cụ thể gồm:

    • Với trẻ dưới 6 tháng: Duy trì nguồn sữa mẹ hoàn toàn cho trẻ nhằm đảm bảo dinh dưỡng cân đối và bổ sung kháng thể tự nhiên tốt nhất.

    • Với trẻ nhỏ: Bổ sung đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng. Đặc biệt chú ý vào những nhóm thực phẩm giúp tăng cường đề kháng như: thực phẩm giàu vitamin C, kẽm, sắt, omega - 3,....

    Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến khích ba mẹ nên bổ sung các sản phẩm chuyên biệt giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ. Một trong những sản phẩm được tin dùng nhất hiện nay là Chiết xuất Linh Chi hữu cơ REISHI KIDS® PROTECT. 


    Chiết xuất Linh Chi hữu cơ REISHI KIDS® PROTECT giúp tăng đề kháng cho trẻ

    Tăng đề kháng Linh Chi hữu cơ REISHI KIDS® PROTECT được đánh giá cao bởi những ưu điểm như:

    • Tăng đề kháng vượt trội nhờ kết hợp các thành phần: chiết xuất Linh Chi hữu cơ - Chiết xuất quả anh đào - Vitamin C - Kẽm.

    • Duy trì miễn dịch bền vững ngay cả khi đã ngừng dùng sản phẩm.

    • Hỗ trợ phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên.

    • Nguồn nguyên liệu hữu cơ, hoàn toàn an toàn cho trẻ nhỏ.

    Chiết xuất Linh Chi hữu cơ REISHI KIDS® PROTECT hiện đã được phân phối tại các nhà thuốc trên toàn quốc. Ba mẹ quan tâm có thể tìm mua sản phẩm TẠI ĐÂY

    Trên đây là bài viết tổng quan về chứng viêm phổi ở trẻ em. Hy vọng những thông tin này đã giúp ba mẹ hiểu rõ hơn về bệnh lý này, từ đó lựa chọn được biện pháp phòng ngừa và kiểm soát phù hợp. Nếu cần tư vấn thêm, ba mẹ có thể liên hệ trực tiếp với chuyên gia qua hotline: 1900 5066. 

    Nguồn tham khảo:
    Dược sĩ Trần Thanh Bình
    Dược sĩ Trần Thanh Bình

    Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dược phẩm, chăm sóc sức khoẻ trẻ em.

    • Facebook